Khủng hoảng Hy Lạp khiến hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, song nó cũng là cơ hội để một số nhà kinh doanh nhỏ có cơ hội phất lên.
Denia Topalidou nhớ lại lần đầu tiên cô phát hiện ra rằng khi kinh tế Hy Lạp gặp khủng hoảng cũng là lúc nhu cầu sử dụng thuốc nhuộm vải đột biến tăng. “Tôi bỗng nhận ra điều gì đó đang diễn ra. 10 năm trước, chẳng ai nghĩ rằng mình sẽ nhuộm lại chiếc quần bò cũ cả”, cô nói.
Topalidou cùng chị gái và gia đình kinh doanh một cửa hàng vải tại trung tâm Athens. Tiệm vải được ông cô mở ra từ năm 1962, nhưng mới chỉ phát triển mạnh mẽ nhất trong 5 năm trở lại đây.
Topalidou và ông nội tại cửa hàng vải tại trung tâm Athens. Ảnh: Reuters |
Suốt thời gian đó, nền kinh tế Hy Lạp giảm 25% và cứ 4 doanh nghiệp thì một phải đóng cửa. Trong năm nay, cứ mỗi ngày trôi qua lại có 60 doanh nghiệp bị khai tử.
Công ty gia đình Topalidou chỉ là một ví dụ cho thấy cách doanh nghiệp có thể đi lên từ khủng hoảng, khi con người buộc phải thay đổi cuộc sống của mình để thích nghi. “Khách hàng bây giờ không có nhiều tiền để mua đồ mới, do vậy họ phải tìm cách thay đổi và cải thiện cuộc sống, thậm chí còn cố gắng tự may cả đồ”, cô nói.
Chi tiêu hộ gia đình đã giảm 30% kể từ năm 2010, theo số liệu của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF). Khi thu nhập thực giảm, con người buộc phải tìm những cách mới để tiết kiệm tiền.
Những cô dâu tương lai đến cửa tiệm của Topalidou để chọn mua những chiếc nơ và vải vóc nhằm phục vụ mục đích trang trí; còn một số khách hàng khác thì muốn tìm vật liệu cho những món quà thủ công. Những món đồ trang sức tết bằng tay rẻ tiền đặc biệt được ưa chuộng, và cửa tiệm của cô còn bán sách hướng dẫn tết những món đồ này.
Những món đồ trang sức tết bằng tay rẻ tiền đặc biệt được ưa chuộng. Ảnh: Reuters |
Công việc kinh doanh tiến triển nhanh đến mức giúp Topalidous có đủ tiền mua lại hai cửa tiệm liền kề để mở rộng. Chị gái của Denia là Anna chia sẻ với CNNMoney: “Cuộc khủng hoảng đã tạo ra công việc kinh doanh này, và rồi chính nó lại tạo nên một xu hướng. Bây giờ mọi người đều thích tự tay làm những món quà độc đáo”.
Wajahat Anwar, một người Pakistan nhập cư, đang kinh doanh một cửa hàng sửa và bán điện thoại nhỏ gần chợ tại Athens. Công việc kinh doanh của anh cũng nở rộ kể từ 5 năm trở lại đây. Khi người Hy Lạp khó khăn, doanh số bán điện thoại của cửa hàng cũng giảm đi khoảng 20%, song tiền từ mảng sửa chữa điện thoại lại tăng lên 40%.
Anh chia sẻ rằng hành vi mua sắm của khách hàng thay đổi đáng kể từ trước và sau khủng hoảng. “Họ phải tìm cách mua lại điện thoại cũ hoặc sửa điện thoại của mình”, anh vừa nói vừa làm việc trên một chiếc smartphone bị vỡ màn hình.
Thực trạng mới khiến anh phải làm việc chăm chỉ hơn. Số tiền kiếm được từ 5 lần sửa bằng số bán được một điện thoại mới.
Công việc kinh doanh , sửa chữa di động của Wajahat cũng phất lên nhờ khủng hoảng. Ảnh: Reuters |
Nhằm thu hút nhiều khách hàng không có khả năng tài chính mua hàng chính hãng, Wajahat định giá điện thoại thấp hơn so với những cửa hàng này. Với số tiền kiếm thêm, anh lại quay vòng vốn đầu tư.
Kinh tế trì trệ cũng là tạo điều kiện kinh doanh cho những cửa hàng cầm đồ. 5 năm trước đây, rất nhiều người đã đổ xô xuống quảng trường Omonia tại Athens để mua vàng và bạc thay cho tiền mặt.
Nikos Billis một chủ cửa tiệm chia sẻ rằng bởi vì khủng hoảng nên số người muốn bán vàng đã tăng lên 70%. Một chủ cửa hàng cầm đồ khác cách đó một dãy nhà ghi nhận doanh thu đã tăng lên hơn 10 lần sau 5 năm.
Tuy nhiên do tình hình kinh tế cứ tiếp tục tồi tệ thêm, nên khả năng chống đỡ khủng hoảng của những người như Billis cũng đang yếu dần đi. “Bây giờ mọi thứ lại tệ đi. Khách hàng đã bán hết tất cả vàng bạc của họ và chẳng còn lại tiền để mua bất cứ thứ gì”, anh nói.
Đức Anh (theo CNN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét