Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Đằng sau chiến lược bành trướng đầu tư


Đằng sau chiến lược bành trướng đầu tư

Mặc dù đã “bật đèn xanh” cho Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực điện hạt nhân nhưng việc Anh đồng thời áp đặt nhiều “biện pháp bảo vệ quan trọng” cho thấy sự bành trướng đầu tư của Bắc Kinh vẫn là mối lo với London.

Mô hình dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point
Tính đến hết năm 2015, Anh nhận được 29,2 tỷ USD (19 tỷ bảng Anh) đầu tư của Trung Quốc, đứng vị trí thứ tám trên toàn thế giới sau Mỹ, Australia, Canada, Brasil, Nigeria, Indonesia và Nga. Chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc đang sẵn sàng tạo nên một cuộc cách mạng mới bằng cách đầu tư 35 tỷ USD vào xây dựng 5 nhà máy điện hạt nhân mới tại đảo quốc sương mù.

Nhưng những trở ngại trước đây trong quá trình triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point với tổng trị giá 18 tỷ bảng Anh, trong đó Trung Quốc đóng góp hơn 6 tỷ USD, là dấu hiệu chứng tỏ sự cảnh giác của Anh với chính sách đầu tư của Bắc Kinh. Vì sao nước Anh lại lo ngại với việc mời gọi các nhà đầu tư Trung Quốc bỏ vốn vào các dự án lớn như nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point?

Trước hết là từ góc độ cạnh tranh kinh tế. Sự bùng nổ các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc đã giúp các nhà thầu của họ tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức đáng kể khi hợp tác với các đối tác nước ngoài. Giờ đây, người Trung Quốc đang hy vọng sẽ “xuất khẩu” những gì mà họ đã học được. Vượt qua được “bài test” - Hinkley Point ở Anh, nơi quy trình phê duyệt dự án rất nghiêm ngặt, sẽ tạo đòn bẩy để Trung Quốc có đủ uy tín cạnh tranh với các đối thủ Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Hàn Quốc trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Tuy nhiên, an ninh chính trị mới là mối lo chính của London. Từ cuối những năm 1990, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc được thúc đẩy bởi chính sách triển khai nguồn vốn ngoài biên giới của Bắc Kinh. Lúc đầu, với châu Phi hay châu Á, Trung Quốc chủ yếu nhằm mục tiêu là khai thác tài nguyên thiên nhiên. Với các nước châu Âu, Trung Quốc muốn mua thương hiệu, công nghệ và mở rộng tầm ảnh hưởng.

Khi tiềm lực ngày càng tăng thêm thì những mục tiêu chính trị đi kèm các khoản đầu tư cũng lộ rõ dần. Mặc dù không thể hiện bằng con số nhưng đã có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh vào yếu tố chính trị đằng sau các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Bằng chứng là nếu xét toàn diện quá trình phát triển dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, có thể thấy khá rõ vai trò định hướng của Bắc Kinh đối với hoạt động này thông qua những hỗ trợ tài chính trực tiếp của Chính phủ.

Trở lại các dự án điện hạt nhân của Trung Quốc ở Anh. Nhiều người Anh lo ngại rằng, khi Trung Quốc thiết kế, sở hữu và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Anh, đây có thể sẽ là “con ngựa thành Troy”, đe dọa Anh những khi giữa hai nước có bất đồng hay xung đột. Khi muốn, Trung Quốc có thể đóng cửa ngành sản xuất năng lượng của Anh. Thêm vào đó, việc Trung Quốc tham gia đến một phần ba dự án sẽ tạo cơ hội cho họ tiếp cận hệ thống máy tính, từ đó có thể chiếm quyền điều khiển hệ thống sản xuất điện của Anh, kể cả việc tin tặc có thể sẽ xâm nhập vào hệ thống dữ liệu gây tổn thương cho ngành công nghiệp hạt nhân.

Những toan tính khó lường đằng sau chiến lược bành trướng đầu tư của Trung Quốc khiến không chỉ Anh mà nhiều nước phải cảnh giác. Trong vài năm gần đây, trên thế giới đã có nhiều quốc gia phải hoãn hàng loạt các dự án Trung Quốc, nhất là những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, để cân nhắc kỹ lưỡng giữa những cái được và cái mất, lợi nhuận và rủi ro.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét