Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Đọ sức mạnh tàu sân bay mới của TQ với mẫu hạm Mỹ

Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc hôm 13/5 đã chính thức bắt đầu các chuyến đi thử nghiệm trên biển. Sự kiện được coi là một bước ngoặt lịch sử, giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lực lượng hải quân đủ khả năng đối kháng với các cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới.
tau san bay
Tàu sân bay

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, tàu sân bay mới có tên gọi tạm thời Type 001A, đã khởi hành lúc khoảng 7 giờ sáng 13/5 từ xưởng đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Khi gia nhập lực lượng hải quân trước năm 2020, tàu trọng tải 50.000 tấn này dự kiến sẽ trở thành hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc nhưng là tàu sân bay đầu tiên do nước này thiết kế và chế tạo hoàn toàn.

Trong một bài phát biểu ngày 12/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công bố các kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân "đăng cấp thế giới".

Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, là một tàu sân bay được Trung Quốc mua lại từ Ukraina khi chưa hoàn thiện. Tàu Liêu Ninh được biên chế vào hạm đội tàu hải quân Trung Quốc năm 2012 và bắt đầu các sứ mệnh trên biển 4 năm sau đó, đưa Trung Quốc vào nhóm 11 nước duy nhất trên thế giới có hàng không mẫu hạm, bao gồm cả Mỹ, Nga, Pháp và Anh.

Theo giới quan sát, Type 001A sẽ được "hiện đại hóa" so với Liêu Ninh, sở hữu thiết kế lớn hơn với trọng tải "khủng" hơn, cho phép tàu chuyên chở được nhiều máy bay hơn. Song, thiết kế hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc về cơ bản bắt chước Liêu Ninh khá nhiều, kể cả đường trượt đặc trưng ở phía trước dành cho máy bay cất cánh.

Ngoài ra, Type 001A có chiều dài xấp xỉ 315 mét, rộng 75 mét, sử dụng các động cơ đẩy thông thường, thay vì động cơ hạt nhân.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế đến từ tập đoàn RAND nhận định, thiết kế như trên nhìn chung khiến việc chế tạo và vận hành tàu sân bay dễ dàng hơn.

Kết quả phân tích các bức ảnh chụp thông thường và ảnh vệ tinh hé lộ, hàng không mẫu hạm tự chế của Trung Quốc có một số thay đổi nhỏ so với Liêu Ninh, nhiều khả năng để giúp tàu chở thêm được 8 máy bay nữa. Tàu Liêu Ninh được tin hiện có sức chứa khoảng 30 chiến đấu cơ, bao gồm cả máy bay cánh cố định và trực thăng.

Theo Peter Layton, chuyên gia nghiên cứu tại Viện châu Á Griffith, Liêu Ninh dường như đóng vai trò như tàu huấn luyện nhiều hơn, trong khi hàng không mẫu hạm mới nhiều khả năng sẽ được điều động tham gia các sứ mệnh chiến đấu.

CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định, mặc dù Type 001A sẽ làm gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực châu Á, nhưng công nghệ của tàu sân bay mới này vẫn bị xếp vào dạng lỗi thời và bị tụt hậu khá xa so với Mỹ, siêu cường hải quân hàng đầu thế giới.

Sam Roggeveen, nhà phân tích đến từ Viện Lowy (Sydney, Australia) thậm chí bình luận, cả về thiết kế bên trong và bên ngoài, Type 001A "không cùng đẳng cấp với các hàng không mẫu hạm của Mỹ".

Tính tới thời điểm hiện tại, hải quân Mỹ đã có trong tay tới 11 tàu sân bay hạt nhân, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Các hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng đều sử dụng công nghệ "máy phóng", giúp các chiến đấu cơ cất cánh nhanh chóng, thuận tiện hơn từ trên boong tàu cũng như mang theo được nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn. Đây là lợi thế rõ ràng so với các chiến đấu cơ Trung Quốc, vốn đang phải tự phát huy sức mạnh khi cất cánh từ đường trượt trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét