Các nguyên tắc Santa Clara đặt ra tiêu chuẩn mới cho việc kiểm duyệt người dùng, song Google và Facebook liệu có quan tâm đến điều này hay không?
Các mạng xã hội cần đẩy mạnh việc duyệt và loại bỏ nội dung rác |
Trong vài năm qua, kiểm duyệt nội dung đã đạt đến mức bão hòa. Chúng ta thấy được tất cả những gì được cho là tồi tệ nhất trên các trang Facebook, Twitter và YouTube: các tài khoản quấy rối, mạo danh, công kích nền chính trị các nước hay những mồi câu thuật toán chứa virus.
Bên cạnh đó, việc kiểm duyệt không đồng nhất và đôi khi quá gắt gao đã trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các đảng phái, các chính trị gia bảo thủ đã bày tỏ thái độ không hài lòng về chính sách kiểm duyệt trước Quốc hội.
Quá trình này đã đánh mất niềm tin của công chúng bởi sự thiếu minh bạch cốt yếu. Một lượng lớn các bài phát biểu trên thế giới diễn ra trên các nền tảng khép kín như Facebook và YouTube nhưng người dùng gần như không có quyền kiểm soát hoặc được biết về các quy tắc chi phối những bài phát biểu đó.
Liên hiệp các tổ chức phi lợi nhuận đã cố gắng làm rõ các tiêu chuẩn kiểm duyệt cơ bản được gọi là Nguyên tắc Santa Clara về tính minh bạch và trách nhiệm khi kiểm duyệt nội dung.
Nguyên tắc này được thiết kế như một bộ tiêu chuẩn tối thiểu về cách xử lý những bài đăng của người dùng trực tuyến. Các nguyên tắc này đã qua kiểm duyệt của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, tổ chức EFF (Electronic Frontier Foundation - tổ chức hoạt động với mục đích đem công nghệ truyền thông mới tới mọi người), Trung tâm Dân chủ & Công nghệ và Viện Công nghệ Mở ở New America cùng một số chuyên gia khác.
Họ kêu gọi các trang mạng xã hội đưa ra thông báo cụ thể hơn đối với những bài viết bị gỡ bỏ, đồng thời, quy trình khiếu nại và báo cáo rõ ràng về tổng số bài đăng và tài khoản bị tạm ngừng hoạt động cũng được cho là cần thiết.
Tuy các biện pháp này khá đơn giản nhưng lại cung cấp cho người dùng nhiều thông tin và hỗ trợ tốt hơn so với phiên bản hiện tại của Facebook, YouTube và các trang mạng xã hội khác. Cần có một “phác đồ” cụ thể cho quy trình kiểm duyệt và đây sẽ là một thách thức mở đối với bất kỳ công ty kiểm duyệt nội dung trực tuyến nào.
Theo quy tắc Santa Clara, bất kỳ tài khoản hoặc nội dung nào bị gỡ xuống, người dùng sẽ nhận được giải thích cụ thể về cách thức và lý do nội dung bị tuýt còi, thông báo này cũng sẽ cho biết những quy định nào mà họ đã vi phạm. Người dùng cũng có thể phản pháo lại quyết định này bằng cách đưa ra các bằng chứng để chứng minh.
Giám đốc Viện Công nghệ mở - ông Kevin Bankston - người đã nghiên cứu hệ quy tắc cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo một quy trình mở hết mức có thể."
Cho đến nay, các công ty vẫn không có động thái gì về các quy định mới. Google, Twitter từ chối bình luận và Facebook cũng không trả lời thêm.
Facebook đã xuất bản bộ nguyên tắc kiểm duyệt đầy đủ lần đầu tiên vào tháng trước, đưa ra các quy tắc cụ thể sau nhiều năm chần chừ. Mạng xã hội này cũng đã lập quy trình khiếu nại chính thức đầu tiên đối với những người dùng có tài khoản bị tạm ngưng hoạt động do nhầm lẫn.
YouTube hiện tỏ ra tuân thủ các quy tắc dù vẫn chưa thực sự minh bạch. YouTube đã công bố báo cáo kiểm duyệt hàng quý đầu tiên vào tháng 4, nêu chi tiết 8,2 triệu video bị xóa trong quý cuối năm 2017. Tuy nhiên, báo cáo đã vi phạm chính sách liên quan đến việc gắn cờ. Cụ thể, nếu nội dung bài đăng bị gắn cờ bởi hệ thống tự động xóa nội dung trên YouTube thì họ sẽ không giải quyết khiếu nại.
Các quy tắc Santa Clara chỉ giới hạn trong các vấn đề về xử lý nên có thể tránh được nhiều câu hỏi hóc búa về vấn đề kiểm duyệt. Chúng không chỉ ra nội dung nào cần được xóa hoặc một bài đăng như thế nào được coi là mối đe dọa đối với sự an toàn của người dùng.
Đồng thời, hệ quy tắc cũng không đánh mạnh vào các bài phát biểu chính trị hoặc những vụ lùm xùm cắt giảm chi phí đáng bị lên án, như chính sách gây tranh cãi về các bài đăng của các nhà lãnh đạo thế giới trên Twitter.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét