Ngày 12/8 phi thuyền nhanh nhất lịch sử nhân loại Parker của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã được phóng thành công, chính thức khởi động sứ mệnh “chạm vào Mặt Trời”, đây sẽ là cuộc thám hiểm vũ trụ “nóng nhất” từ trước tới nay.
Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA cho biết "Parker" sẽ bay quanh mặt trời 24 vòng trong 7 năm và tận dụng lực hấp dẫn từ sao Kim để điều chỉnh quỹ đạo tiếp cận mặt trời ở khoảng cách 6,16 triệu km.
Trước đó, cuộc thám hiểm vũ trụ gần với mặt trời nhất được thực hiện vào năm 1976 bởi tàu thăm dò do Mỹ và Đức hợp tác chế tạo “Thần Mặt Trời 2” với khoảng cách 43 triệu km.
Tàu Parker được bảo vệ bởi lớp vỏ dày 11,43 cm có thể chịu mức nhiệt lên đến 1.400 độ C và duy trì nhiệt độ bên trong tàu trong khoảng 30 độ C. Khi đến gần mặt trời Parker sẽ bay với tốc độ 700.000 km/h, tốc độ khiến nó trở thành vật thể nhân tạo bay nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Với tốc độ này, chỉ cần một phút để di chuyển từ Washington đến Hà Nội.
Parker sẽ cho phép loài người đo lường điện trường và từ trường của mặt trời ở cự ly gần, nghiên cứu cơ chế vật lý của các vật chất trong vành nhật hoa. Từ đó dự đoán chính xác ảnh hưởng của bão mặt trời đối với cuộc sống trên trái đất.
Tàu thăm dò "Parker" được đặt theo tên của nhà vật lý Eugene Parker, 91 tuổi, người đã dự đoán sự tồn tại của gió mặt trời vào năm 1958. Đây cũng là lần đầu tiên NASA sử dụng tên một nhà khoa học còn sống để đặt cho một dự án thăm dò vũ trụ. Parker cũng được mang theo một vi mạch ghi lại tên của hơn 1,1 triệu người từ khắp nơi trên thế giới, họ sẽ bay cùng với các thiết bị khoa học đến trung tâm của hệ mặt trời.
Theo kế hoạch, tàu thăm dò của NASA sẽ đến điểm gần nhất vào tháng 11 năm nay và sẽ bắt đầu thu thập các số liệu từ tháng 12.
Nguồn:tienphong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét