UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về
điều chỉnh quy hoạch đường sắt TPHCM - Cần Thơ.
Tuyến đường sắt này đi
qua địa bàn TPHCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với
điểm đầu là ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TPHCM) và điểm cuối là ga Cái Răng
(phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Theo đó, đối với địa phận
TPHCM, UBND TP.HCM đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh
Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM; từ ga Tân Kiên, tuyến đi
song song đường Tân Tạo - Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút
giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, tuyến rẽ phải và
đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Đối với địa phận tỉnh
Long An, tuyến tiếp tục đi trên cao song song tuyến đường bộ cao tốc TPHCM -
Trung Lương, vào ga Thanh Phú (là ga kết nối với nhánh đường sắt ra cảng Hiệp
Phước), tuyến đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm cỏ Đông. Tuyến
tiếp tục đi vượt qua khu vui chơi giải trí Happy Land và đi song song với tuyến
đường bộ cao tốc vào ga Tân An. Ra khỏi ga Tân An, tuyến vượt qua sông Vàm cỏ
Tây, Quốc lộ 62 và đi hết địa phận tỉnh Long An.
Toàn bộ hướng tuyến đi
qua địa phận tỉnh Tiền Giang được điều chỉnh về phía Tây so với hướng tuyến quy
hoạch được duyệt. Tuyến đi vào tỉnh Tiền Giang sẽ đi chung hành lang an toàn
tuyến đường bộ cao tốc (bên trái) qua ga Tam Hiệp, ga Cai Lậy và tiếp tục cặp
theo tuyến đường bộ cao tôc vào ga Cái Bè.
Sau đó tuyến tiếp tục đi
song song với tuyến đường bộ cao tốc, rẽ trái vượt qua Quốc lộ 1A đi về Mỹ Thuận
(trùng với hướng tuyến theo phương án quy hoạch được duyệt) và đi hết địa phận
tỉnh Tiền Giang.
Tại địa phận tỉnh Vĩnh
Long, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến trùng với hướng tuyến quy hoạch
được duyệt.
Tại địa phận TP Cần Thơ,
hướng tuyến được đề nghị điều chỉnh trùng với hướng tuyến quy hoạch được duyệt
với chiều dài 139,60km (không tính đoạn tuyến từ ga lập tàu An Bình đến ga
Tân Kiên), sử dụng chung hành lang an toàn tuyến đường bộ cao tốc (TPHCM -
Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ), nhằm giảm thiểu việc chia cắt
khu vực dân cư do tuyến đường sắt đi qua, thuận lợi trong quản lý ranh hành
lang an toàn, đường gom và an toàn giao thông; phát triển hướng tuyến về phía
Tây của khu vực có quỹ đất đế phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tận dụng
được các đầu mối giao thông liên kết của đường cao tốc.
Do điểm đầu từ ga Tân
Kiên (huyện Bình Chánh) thay vì ga An Bình (Bình Dương), UBND TP cũng đề xuất
chỉ điều chỉnh hướng tuyến từ ga Tân Kiên đi Long An (khoảng 6,72km), trong đó
có đoạn đi dọc theo tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương nên có thể xem xét đặt
trong hành lang đường cao tốc.
Trước đó vào tháng
3/2018, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam cho biết đã ký kết với Quỹ
Morfund Canada về quy mô vốn đầu tư 6,3 tỉ USD Canada (tương đương 5 tỉ USD) cho
dự án xây đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ.
Vừa qua đại diện UBND
TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đã thống nhất hướng
tuyến mới xây dựng đường sắt cao tốc TP.HCM cặp theo tuyến đường cao tốc TP.HCM
- Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là cảng Cái Cui, TP Cần Thơ với 10
nhà ga.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét