Quỹ đất sạch ngày càng hạn chế, nguồn cung đất dự án
thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn. Thị
trường BĐS Tp.HCM dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung mới
trong năm 2019.
Trong báo cáo thực trạng thị trường bất động Tp.HCM 10 tháng
đầu năm 2018, Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, thị trường có dấu hiệu sụt giảm cả
về nguồn cung và số lượng giao dịch. Theo đó, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở
đưa ra thị trường gồm 65 dự án với tổng số 23.759 căn. Riêng nguồn cung từ dự
án mới chỉ có 22.684 sản phẩm thuộc loại hình căn hộ và 1.075 sản phẩm là nhà
thấp tầng, tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng.
Về tỷ lệ nguồn cung giữa các phân khúc, số liệu cho thấy,
phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%. Phân khúc trung cấp có
11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4% và phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ
19,3%. So với cùng thời điểm năm 2017, số lượng dự án triển khai giảm đến
11,1%. Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%. Xét về phân khúc, loại
hình căn hộ cao cấp chỉ giảm 9,6%, thấp nhất trong các phân khúc. Căn hộ trung
cấp giảm đến 37,5% và phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh nhất với 68%.
Đánh giá về thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội
BĐS Tp.HCM cho rằng, cơ cấu sản phẩm nhà ở của Tp.HCM đang mất cân đối nghiêm
trọng, tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 19,3% là quá thấp. Trong khi đó phân khúc
cao cấp chiếm đến 1/3 thị trường (tỷ lệ 31,3%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa
cung. Đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và cũng là dấu hiệu rõ rệt nhất của
sự phát triển thị trường thiếu bền vững. “Trong một thị trường BĐS phát triển bền
vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn
nhất, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm
tỷ lệ nhỏ nhất. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung của Tp.HCM lại kể câu chuyện ngược
lại”, ông Châu nhìn nhận.
Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm, thành phố chỉ chấp thuận
chủ trương đầu tư 12 dự án, công nhận chủ đầu tư 25 dự án, chấp thuận đầu tư 73
dự án. Số lượng dự án chấp thuận chuyển nhượng là 15/23 tăng 27% so với cùng kỳ
năm trước. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 6,22 tỷ USD.
Trong đó, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS chỉ khoảng 1 tỷ USD, chiếm 17% tổng
nguồn vốn FDI, vẫn đứng thứ ba trong nhóm thu hút vốn ngoại nhưng giảm đáng kể
so với năm 2017.
Nhận định về thị trường trong 3 tháng cuối năm 2018 và đầu
2019, Hiệp hội cho rằng, thị trường sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong giao
dịch ở các tháng cuối năm nhất là với phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi
tiền và phân khúc nhà ở trung cấp. Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa
cung, phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2019. Sự cạnh tranh ở phân
khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra
đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ.
Bên cạnh đó, hiện tượng thiếu hụt nguồn cung dự án BĐS, thiếu
hụt nguồn cung quỹ đất sạch phục vụ đầu tư phát triển chưa thể giải quyết ngay
trong một sớm một chiều, nên sẽ tác động lớn đến quan hệ cung - cầu trên thị
trường BĐS. Nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải
phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế
hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng
2.200 ha đất ở; kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố, và kế
hoạch của VAMC về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm
bằng dự án BĐS, giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A)
phát triển mạnh hơn.
Ngoài ra cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn và
xu thế giá dầu tăng mạnh có tác động đến nền kinh tế và thị trường BĐS nước ta.
Bên cạnh hiện tượng một số dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán thì
có một số dòng vốn FDI khác đầu tư vào thị trường công nghiệp, thương mại, dịch
vụ, du lịch, BĐS. Vấn đề đặt ra đối với thị trường BĐS là tận dụng lợi thế của
đất nước để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư
Phương Uyên
(Theo Enternews.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét