Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt
Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Theo văn bia
chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở
kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời
Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ
Chúa.
Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh nông nghiệp của dân tộc
Việt. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội
cầu mùa, ca hát vui chơi.
Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung
Thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi
mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa,
chú Cuội, chị Hằng.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày
làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và
dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng,
vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn
bột làm con tôm, con cá ...
Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy
như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành
hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ... những năm gần đây còn có
nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...
Trẻ em tối đêm rằm dìu dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy
ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả
đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ…
Trong dân gian, Tết Trung Thu ngoài việc cúng gia tiên, phá
cỗ, nghe chuyện về trăng, còn có chơi đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép,
đèn cầy... Các trò như múa sư tử, hát đúm, hát trống quân... đã trở thành ngày
hội không những của trẻ em mà còn của người dân cả nước.
Thảo Nhi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét