Để tự tin hơn trong giao tiếp, nhiều người đã lạm dụng nước xịt thơm miệng để chống hôi miệng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, lạm dụng nước xịt thơm miệng lại càng dễ làm miệng hôi hơn.
Bạn không nên lạm dụng nước xịt thơm miệng, bởi nó dễ làm miệng hôi hơn. Ảnh minh họa |
Dễ bị khô, nấm miệng
Là một nhân viên kinh doanh, anh Nguyễn Văn Luân (ở Nam Định) đã rất tự ti khi giao tiếp vì chứng hôi miệng rất khó chịu. Anh đã tìm mua dung dịch xịt thơm miệng như một giải pháp chữa trị. “Sau các bữa ăn và trước những cuộc gặp quan trọng tôi thường dùng xịt thơm miệng để có thể tự tin nói chuyện. Mỗi lần xịt miệng tôi cũng thấy thơm mát, dễ chịu. Chỉ có điều dung dịch xịt không tác dụng được lâu, hầu như tôi phải xịt nhiều lần liên tục. Vì thế mà miệng có cảm giác khô hơn trước”.
Chị Mai Thị Dung (ở Hà Nội) cũng dùng xịt thơm miệng như một “cứu cánh” cho chứng hôi miệng của mình. Trong túi xách của chị luôn có một chai xịt thơm miệng. Gần đây, chị cảm thấy miệng, cổ họng bị khô và xuất hiện mảng trắng gây đau trong miệng, vòm họng. Đi khám, bác sỹ cho biết chị bị nấm miệng do vệ sinh răng miệng không đúng cách lại dùng xịt thơm miệng che đậy khiến vi khuẩn phát triển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên thị trường có rất nhiều loại nước xịt thơm miệng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… với hương vị khác nhau như bạc hà lạnh, chanh tươi, trà xanh, quế... Giá bán các sản phẩm xịt thơm miệng dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn một lọ tùy dung lượng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Bộ môn Dược, Đại học Y dược TP HCM) cho biết, các loại xịt hay súc miệng thực chất chỉ là một loại mỹ phẩm và không có tác dụng chữa trị chứng hôi miệng. Nó chỉ có tác dụng làm mát, che giấu mùi hôi của hơi thở một cách “chữa cháy” chứ không trị được nguyên nhân gây hôi miệng.
Đã có nghiên cứu cho thấy, trong hầu hết các thuốc xịt thơm miệng đều có chứa cồn. Nếu bạn sử dụng thường xuyên, chính lượng cồn có trong loại nước xịt này sẽ làm cho miệng bị khô, từ đó càng gây cho miệng có mùi hôi nặng hơn. Tốt nhất hãy đến nha sỹ tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp nếu răng miệng bạn có vấn đề.
TS.BS Phí Thái Hà (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết, tất cả các loại nước xịt thơm miệng đều chỉ có tác dụng “đánh lừa” cảm giác của người sử dụng. Dùng lâu dài miệng rất dễ bị hôi nặng. Nguyên nhân thành phần xịt giúp dung dịch bay hơi nhanh làm khô niêm mạc miệng, mất độ ẩm tự nhiên của khoang miệng. Khô miệng cũng là nguyên nhân gây hôi miệng và bệnh nấm miệng, nấm vòm họng. Hơn nữa, nó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển do khoang miệng không được làm sạch lại được che “lấp” thêm một lớp mùi thơm gây mùi khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng.
Thực chất dùng xịt thơm miệng chỉ là cách đối phó, còn để trị tận gốc chứng hôi miệng phải tìm được đúng căn nguyên. Theo TS.BS Phí Thái Hà, nguyên nhân gây chứng hôi miệng rất nhiều. Có thể do việc vệ sinh răng miệng kém, khoang miệng không được vệ sinh đúng cách nên gây ra một số bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, nhiệt miệng, viêm tủy răng, nha chu…
Hơn nữa nếu bạn không vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau mỗi bữa ăn thì thức ăn còn bám lại trong răng miệng phân hủy gây hôi miệng. Chân răng có nhiều cao răng, các mảng bám không được lấy sạch sẽ là nơi lý tưởng vi khuẩn lên men thức ăn tạo nên mùi hôi.
Chứng hôi miệng cũng do những bệnh lý mũi xoang, viêm xoang do răng, hở tâm vị dạ dày gây hơi thở hôi rất nhiều, thậm chí gây khó chịu cho người xung quanh khi đến gần. Ngoài ra, hôi miệng còn do chúng ta ăn quá nhiều thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, mắm… hoặc ăn những thức ăn chứa nhiều protein và chất béo. Những thức ăn này sẽ làm cho vi khuẩn hoạt động mạnh trong miệng và gây ra mùi hôi.
Hơi thở thơm tho bằng cách nào?
Theo TS.BS Phí Thái Hà, biện pháp tốt nhất đẩy lùi chứng hôi miệng chính là việc vệ sinh răng miệng thật kỹ lưỡng, đúng cách. Nên dùng tơ sợi nha khoa ít nhất mỗi lần một ngày thay cho tăm xỉa răng vì sử dụng tăm nhiều sẽ làm cho răng thưa ra và có thể vô tình làm tổn thương nướu răng. Chỉ nha khoa là cách tốt nhất để lấy hết các mẩu thức ăn bám trên răng.
Cần uống nước thường xuyên vì khi miệng bị khô, tuyến nước bọt sẽ không tiết ra đủ nước bọt để làm sạch răng bạn khỏi các mảng bám thức ăn tạo điều kiện vi khuẩn hoạt động và gây nên hôi miệng. Đồng thời, làm sạch lưỡi giúp bạn kiểm soát hơi thở có mùi rất có hiệu quả. Có thể sử dụng bàn chải đánh răng, cây cạo lưỡi hoặc bàn chải lưỡi để loại bỏ sạch màng vi khuẩn, các mảnh vỡ và chất nhày bám trên lưỡi. Tránh cạo mạnh làm tổn hại lưỡi.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyên, để giảm hôi miệng bạn có thể sử dụng nước súc miệng, nhai kẹo cao su. Tuy nhiên không nên súc miệng ngay sau khi chải răng hoặc dùng nước súc miệng khi chải răng mà nên dùng trước khi đi ngủ để đạt hiệu quả cao nhất.
Tránh ăn quá nhiều các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi… Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và đảm bảo lấy sạch những mẫu thức ăn còn sót lại. Sau khi dùng hết các biện pháp để giữ vệ sinh răng miệng nhưng hơi thở vẫn có mùi khó chịu, bạn nên đi khám nha sỹ để tìm ra những nguyên nhân.
Theo các chuyên gia, một số nguyên liệu tự nhiên rất có hiệu quả trong việc chữa trị chứng hôi miệng như:
- Nhai vài lá húng bạc hà, húng hay vài mẩu đinh hương, tinh dầu quế có thể khiến mùi hôi trong hơi thở của bạn hết rất nhanh vì có chứa tinh dầu thơm, tác dụng kháng khuẩn tốt.
- Sau khi ăn hành, tỏi, bạn có thể ăn một trái ổi hoặc nhai vài lá ổi rửa sạch. Bạn cũng có thể bào chế nước súc miệng từ lá ổi để khử mùi khó chịu của hơi thở. Lấy khoảng 3 chén nước với 10 lá ổi non, đun sôi nước rồi giảm lửa cho lá ổi vào đun sôi liu riu trong khoảng 10 phút nữa bắc ra để nguội chắt lấy nước dùng súc miệng hàng ngày.
- Lá ngò gai: Theo y học cổ truyền, ngò gai vị the, tính ấm, có mùi thơm hắc, khử thấp nhiệt, mạnh tỳ vị, thanh uế… Lấy một nắm ngò gai sắc lấy nước đặc, thêm vào vài hạt muối làm nước súc miệng, khò họng nhiều lần trong ngày khoảng vài ngày sẽ có công hiệu.
- Dùng chè xanh, chanh… Tính axít cao trong chanh sẽ ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trên lưỡi và nướu răng. Có thể làm hỗn hợp muối, chanh và nước để súc miệng trước khi đi ngủ.
Theo Hà My
Báo Gia đình & Xã hội
Báo Gia đình & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét