Những năm qua, chính sách thu hút nhân tài đã từng thực hiện ở nhiều địa phương, không riêng gì TP HCM. Có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ sự chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo các tỉnh, thành đối với giá trị đích thực của con người, của một công chức.
Các Loại Bằng |
Từ chính sách này, ai cũng thấy đã qua rồi cái thời tuyển người bố trí công việc chỉ quan tâm đến một số tiêu chuẩn không hề liên quan trực tiếp đến công việc họ sẽ làm và vị trí họ đảm trách. Nhưng vấn đề không dừng lại ở chỗ nhận thức đúng mà nó còn nằm ở chỗ chủ trương và tổ chức thực hiện việc thu hút nhân tài. Bởi thực tế, có địa phương được xem là nơi mạnh dạn đi đầu trong việc đề ra "chính sách thu hút nhân tài", "trải thảm đỏ" nhưng sau một vài năm, kiểm điểm lại chỉ thu hút được số lượng không đếm hết 5 đầu ngón tay! Có lẽ các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vì sao ?
Một điều dễ hiểu là số lượng người được coi là "có tài thực sự" không phải là nhiều, chỉ có một số lượng nhất định. Số nhân tài thực sự "độc thân" không phải nhiều, số còn lại đã yên bề gia thất nên khó bề thu hút. Còn một lý do cũng đáng quan tâm nữa, đó là thị trường nhân lực ngày nay bằng cấp thì có đủ cả nhưng thực sự là chuyên gia, là người thực tài đáp ứng yêu cầu thì không nhiều. Cho nên chính sách thu hút nhân tài lệ thuộc vào học vị, học hàm rủi ro cũng rất cao! Hơn nữa, rất nhiều người tài thực sự thường không thích nói về mình, họ tin vào câu châm ngôn "hữu xạ tự nhiên hương". Có thể nói khâu yếu nhất lâu nay là công tác phát hiện, tuyển chọn và sử dụng cán bộ đủ đức đủ tài!
Từ đây mới thấy, những chuyện đáng buồn trong thi cử, phong hàm GS-PGS vừa qua không chỉ là chuyện của ngành giáo dục, mà phải nhìn dưới góc độ xã hội mới mong tìm được giải pháp chấn hưng giáo dục, khai thông nguyên khí quốc gia. Một xã hội vẫn còn định hướng con người tìm sự đãi ngộ hưởng thụ về vật chất và tinh thần thông qua "con đường quan trường"; khuyến khích con em mình bằng mọi giá, thủ đoạn để đạt được mục đích "làm quan" thì sẽ ngày càng ít đi những người chuyên tâm, trì chí định hướng cuộc đời bằng con đường "nghiên cứu thành các chuyên gia giỏi". Việc hiếm chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực là chuyện tất yếu.
Đã đến lúc phải "khuyến chuyên không khuyến quan" để phát hiện người đích thực là nhân tài, thông qua các giải pháp sáng tạo, bài bản, công khai, minh bạch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét