Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

"Không thu thì phí"!

Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) khởi công năm 2014. Trong đó, phần làm mới tuyến tránh dài 12 km khoảng 1.000 tỉ đồng và phần duy tu, bảo trì Quốc lộ 1 dài 26,5 km khoảng 300 tỉ đồng.

tram thu phi
Trạm Thu Phí

Sau một thời gian Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng thu phí, nay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình 5 phương án cho BOT Cai Lậy hoạt động trở lại.

Nhìn sơ bộ 5 phương án, chúng ta có thể rút lại còn 4, vì phương án 3 (thu qua trạm đặt trên Quốc lộ 1) đã bị phản ứng gay gắt. Hai phương án đầu, nhà nước không hỗ trợ ngân sách. Hai phương án 3 và 4, nhà nước phải hỗ trợ ngân sách khá lớn, từ 1.250 - 2.026 tỉ đồng, so với tổng mức đầu tư ban đầu chỉ 1.300 tỉ đồng. Trong tất cả các phương án, đến nay, Bộ GTVT và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đơn vị thay mặt Chính phủ và người dân, đứng ra ký kết và quản lý, giám sát hợp đồng BOT) đều chưa nói được con số quyết toán theo thực tế khối lượng và chất lượng công trình là bao nhiêu, có phải là 1.300 tỉ đồng hay thấp hơn, để có cơ sở tính lại phương án tài chính và thời gian hoàn vốn. Từng phương án đưa ra, Bộ GTVT đều thể hiện sự thiếu thực tế, sơ sài, chủ quan, thiên về phương án 1, cố ý loại bỏ các phương án khác.

Phương án 1 thực ra chỉ là miễn giảm giá thu cho ô tô qua trạm và những người dân trong khu vực, như Bộ GTVT cũng đã từng giải quyết với nhiều dự án BOT thu phí khác. Có thể hạ nhiệt phản ứng gay gắt trước mắt nhưng bản chất vấn đề không được tháo gỡ. Trong lúc thời gian thu phí tăng lên quá dài (gần 16 năm), xã hội vẫn phải gánh chịu bất hợp lý. Ngoài ra, nếu đặt trạm trên Quốc lộ 1, xe vẫn chạy qua thị xã Cai Lậy, gây kẹt xe và tai nạn chứ không thể giảm bớt như Bộ GTVT lý luận.

Phương án 2, đặt 2 trạm thu giá khác nhau, trạm trên Quốc lộ 1 lại rẻ hơn, hoàn toàn không khả thi về giá và mục tiêu dự án. Tại sao không lấy giá như nhau hoặc ngân sách trả lại cho trạm thu trên Quốc lộ 1 (Quỹ Bảo trì đường bộ hằng năm) hoặc thậm chí thu xong phần duy tu Quốc lộ 1 thì ngừng sớm hơn. Phương án 4, nêu lý do về lưu lượng xe thực tế ít chạy trên đường tránh để đưa ra mức ngân sách phải hỗ trợ đến 1.250 tỉ đồng là quá vô lý, không khoa học. Không ai làm giao thông và làm BOT giao thông kiểu này. Nếu Bộ GTVT "quên" tính toán từ đầu theo quy chuẩn tiêu chuẩn thì kiểu khắc phục này cũng quá sơ sài, đếm xe vài ngày cho có, không đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả. Phương án 5, chuyển BOT thu phí thành BOT không thu phí cũng là một cách làm phổ biến trên thế giới hiện nay do tính phức tạp (dễ tiêu cực tham nhũng) và bất tiện của các trạm thu phí. Với phương án này, cũng phải xem lại con số trên 2.000 tỉ đồng/năm, không có lý và không có thật.

Tóm lại, các phương án Bộ GTVT đưa ra đều còn giấu con số đầu vào để tính ra chi tiết, đó là số tiền thực tế đã đầu tư theo khối lượng chất lượng thực tế đã làm và theo quy định pháp luật hiện hành là bao nhiêu. Nếu mơ hồ các số liệu về tài chính, về lãi vay thực... thì phương án tài chính và thời gian hoàn vốn chỉ là "vẽ" cho đẹp! Tốt nhất là Chính phủ nên chỉ đạo thanh tra toàn diện và Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán dự án này.


Ngày nào còn các dự án BOT tù mù như vậy thì lợi ích nhóm càng biến tướng phức tạp, các nhà đầu tư chân chính sẽ chùn tay. Lòng dân muốn ở đâu thì hãy nên đặt trạm ở đó!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét